SHADOWING TECHNIQUE: KỸ THUẬT NÂNG TRÌNH “THẦN THÁI” TIẾNG ANH GIAO TIẾP
Shadowing tạm dịch là cái bóng. Đây là kỹ thuật do Tiến sĩ Alexander Arguelles giới thiệu. Đây cũng là kỹ thuật mà ông đã dạy cho các học sinh cũng như áp dụng cho mình để tập nói được 38 thứ tiếng. Nếu bạn đã từng lâm vào tình huống khó xử trong giao tiếp, khi nói một đằng, người bản ngữ lại hiểu một nẻo hoặc nói mãi mà không sao hiểu nhau, thì đây là bài viết dành cho chính bạn!
I. SHADOWING LÀ GÌ?
Shadowing tạm dịch là cái bóng. Đây là kỹ thuật do Tiến sĩ Alexander Arguelles giới thiệu. Đây cũng là kỹ thuật mà ông đã dạy cho các học sinh cũng như áp dụng cho mình để tập nói được 38 thứ tiếng.
Kỹ thuật được tiến hành theo một phương thức cụ thể. Kỹ thuật này đơn giản là cố gắng bắt chước y hệt một đoạn văn hay hội thoại tiếng Anh mà bạn nghe được.
II. KỸ THUẬT SHADOWING GIÚP BẠN NÂNG TRÌNH “THẦN THÁI” TIẾNG ANH GIAO TIẾP NHƯ THẾ NÀO?
Shadowing là một phương pháp cực kỳ hiệu quả để luyện nói tiếng Anh theo giọng bản ngữ. Phương pháp này cũng sẽ giúp tăng khả năng hiểu tiếng Anh của bạn.
Kỹ thuật Shadowing có 2 tác động tích cực:
1. Thiết lập liên kết trong não bộ
Thứ nhất, kỹ thuật Shadowing giúp tạo ra những liên kết trong bộ não khi thiết lập những âm thanh, từ ngữ và câu một cách nhanh và chính xác như một phản xạ thần kinh. Điều này rất quan trọng nếu chúng ta muốn trau dồi vốn tiếng Anh cao hơn dựa trên nền tảng là sự trôi chảy và tự nhiên như một phản xạ về ngôn ngữ.
Cách này đồng thời cũng giúp chúng ta bỏ thói quen tự dịch qua lại trong đầu giữa tiếng Việt và tiếng Anh trước khi thực sự phản ứng. Thói quen này chính là rào cản cho việc tiếp thu và nâng cao trình độ giao tiếp tiếng Anh của nhiều người.
2. Hình thành và phát triển phản xạ trong giao tiếp
Thứ hai, kỹ thuật Shadowing giúp hình thành và phát triển những phản xạ của các cơ quan phát thanh trên cơ thể để tạo ra các âm tiếng Anh.
Chúng ta đều biết, để phát ra các âm tiếng Anh đòi hỏi chúng ta phải vận động môi, lưỡi, răng và cổ họng khác hẳn với các âm tiếng Việt quen thuộc. Chúng ta nói chưa được chuẩn đơn giản vì cơ thể chúng ta chưa quen với điều đó. Khi thực hành lặp lại, cố gắng bắt chước y hệt những âm thanh tiếng Anh, chúng ta cũng đang luyện tập cho cơ thể quen với việc tạo ra các âm này, không áp dụng những quy tắc phát âm tiếng Việt với tiếng Anh nữa, xây dựng được giọng tiếng Anh gần với giọng bản ngữ.
3. Điều đặc biệt của kỹ thuật Shadowing
Một điều thú vị của kỹ thuânt này là bạn không nhất thiết phải đạt tới một trình độ tiếng Anh nào mà có thể bắt đầu từ con số 0. Lúc này việc bạn thực hành luyện nói bằng kỹ thuật Shadowing giống như cách một đứa trẻ bắt đầu học nói trước khi hiểu được những gì mình nói ra. Tới lúc bạn trau dồi được một vốn kiến thức nhất định và hiểu được những gì mình nói thì Shadowing đã giúp cho ngữ điệu của bạn tự nhiên hơn rất nhiều rồi.
Shadowing được đánh giá là một trong những kỹ thuật nâng trình “thần thái” giao tiếp hiệu quả trong tiếng Anh giao tiếp cho người mới bắt đầu. Đây là một kỹ thuật không phải nhiều người biết nhưng lại rất hiệu quả trong việc luyện tập ngữ điệu, nhịp điệu và cách phát âm của người bản địa. Khác với kỹ thuật nghe và lặp lại, bạn sẽ không chờ nghe hết cả câu và sau đó mới nhắc lại những gì Speaker nói. Thay vào đó, bạn và người nói gần như sẽ nói đồng thời, cụ thể, bạn bắt chước hoàn toàn ngữ điệu, cách họ ngắt câu, luyến láy của họ. Shadowing là phương pháp rất hay giúp mọi người tự luyện speaking được ở nhà. Ưu điểm là dễ thực hiện, giúp mọi người có thể đồng thời luyện được kỹ năng nghe và nói cùng lúc.
III. CÁCH LUYỆN THEO PHƯƠNG PHÁP SHADOWING
Bước 1: Chọn một audio/video tiếng Anh có transcript/subtitle
Đừng chọn tài liệu quá khó với bạn, nếu có quá nhiều từ vựng mới, sẽ khiến bạn cảm thấy quá khó để hiểu nội dung. Hoặc tốc độ nói quá nhanh trong khi khả năng nghe của bạn chưa tốt, thì việc nghe này sẽ làm bạn căng thẳng so và sớm bỏ cuộc.
Và nên nhớ là, phải chọn tài liệu mà bạn cảm thấy thú vị thì việc nghe đi nghe lại mới không nhàm chán. Lý tưởng là xem phim có phụ đề, video nhạc có lời, ebook có audio đi kèm, talk show, sitcom hay phim hoạt hình. Nếu mới bắt đầu học, bạn nên lựa chọn các file nghe có tốc độ đọc phù hợp với trình độ hiện tại.
Và cuối cùng, nên chọn một giọng đọc mà bạn thấy là phù hợp với mình.
Một số website hữu ích:
1. http://learningenglish.voanews.com/
Chia thành các level cho các bạn, nội dung rất phong phú. Ngoài ra còn dạy bạn những kiến thức về từ vựng, cấu trúc tiếng anh
2. http://www.ted.com/
Dành cho những bạn có trình độ khá ổn rồi. Vì từ vựng và kiến thức khá là rộng.
3. http://learnenglish.britishcouncil.org/en/listen-and-watch
Có cả phần câu hỏi để giúp bạn kiểm tra luôn kĩ năng nghe của mình.
Nếu bạn dùng IOS, bạn có thể sử dụng phần mềm Podcasts. Ở đây có rất nhiều channel với nội dung phong phú, hấp dẫn, kèm theo cả transcript.
Một số kênh Podcasts hữu ích:
1. Trình độ cơ bản
Learn English, Voice of America: Learning English
2. Trình độ trung cấp
6 Minute English
Podcasts in English
3. Cấp độ nâng cao
The English We Speak
Hoặc nếu bạn nào thích các chủ để khác như kinh tế, văn hóa… thì đều có hết nha.
Bước 2: Nghe
Lời khuyên dành cho bạn là hãy nghe một bài học trong ít nhất 3-5 ngày. Số lần nghe lặp đi lại khoảng 30-50 lần. Việc này sẽ giúp bạn tăng dần khả năng nghe hiểu, từ vựng và phát âm cũng như phản xạ. Mỗi ngày hãy đặt ra mục tiêu riêng của mình cho một bài học nào đó.
Ví dụ:
Ngày 1: Bắt ngữ điệu cơ bản và hiểu được sơ qua ngữ cảnh.
Ngày 2: Hiểu hết từng câu, từng chữ trong bài nghe. Để làm được điều này, yêu cầu bạn phải hiểu hết được từ vựng và cấu trúc trong bài.
Ngày 3: Nghe để bắt chước 100% ngữ âm từng từ trong bài, nhất là những từ khó. Có thể dành nhiều thời gian để luyện những từ khó.
Ngày 4: Nghe để bắt trước nối âm, ngữ điệu trong từng câu tiếng Anh.
Ngày 5: Nghe để bắt chước cảm xúc của nhân vật gắn với ngữ điệu trong câu.
Bạn chỉ cần dành thời gian chút một cho nó, 10 phút, 15 phút, 20 phút tranh thủ mỗi lần bạn đang đi bộ đến trường, đi chợ, ngồi xe bus, giặt quần áo, nấu cơm,.. hãy nghe tận dụng thời gian mỗi ngày. Bạn sẽ thấy việc nghe trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn rất nhiều.
Và bạn chỉ nên nghe tối đa 30 phút, vì khi bộ não của bạn hoạt động quá 30 phút, sẽ giảm hoàn toàn khả năng tập trung. Đây chính là nguyên nhân tại sao bạn thấy rằng mình không thể tập trung được khi nghe. Thậm trí nhiều bạn chỉ tập trung được nghe tiếng Anh trong vòng 5-10 phút đầu tiên. Vậy thì để nghe hiệu quả, bạn cần phải tìm đủ mọi cách làm bộ não của mình tập trung tốt hơn khi nghe.
Lưu ý: Để việc học nói hiệu quả. Bạn phải có nền tảng nhất định về các âm trong tiếng anh. Nhất định phải nắm được và phát âm chuẩn bảng chữ cái IPA trước đã nhé.
Bước 3: Shadowing
Mở lại file nghe, video và cố gắng bắt chước ngữ điệu, cách ngắt từ, cụm từ, câu… của người nói:
a. Vừa nghe vừa nhìn vào phụ đề/transcript và đọc. Tập cho đến khi nào cảm thấy khá ổn.
b. Tắt audio hoặc chuyển âm lượng video về 0, sau đó, đọc phụ đề/transcript và ghi âm lại giọng của bạn.
c. Nghe lại file ghi âm và so sánh với giọng của speaker. Nếu chưa hài lòng, hãy luyện tập cho đến khi cảm thấy tốt nhất.
Khi mới tập, bạn sẽ cảm thấy mất kiên nhẫn, chán nản. Đừng vội vàng từ bỏ, hãy cố gắng duy trì thói quen luyện tập mỗi ngày. Để tăng cảm hứng, bạn nên chọn những video hài hoặc bộ phim bạn yêu thích.
Anh ngữ iStart chúc các bạn thành công!